Charmington.org | Châu Tinh Trì có nói, để có danh có phận, bạn phải vượt qua cái ngại ngùng cố hữu hay sĩ diện của dân châu Á, mình vô danh, có ai biết đâu mà. Đừng để cái tôi lớn mà hỏng cuộc đời đi. Hạ thấp mình xuống, để người ta cho mình cơ hội.
Tảng đá đầu tiên cản bước đường của người trẻ là gì?
"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
thì đừng có trách trời gần trời xa".
1. Nếu như Mr Bean là cây hài số 1 bên phương Tây thì Châu Tinh Trì (Stephen Chow) là vua hài của phương Đông. Anh là diễn viên, đạo diễn và chủ hãng phim Thái Tinh, chủ chuỗi fastfood, thương hiệu nước hoa, thời trang và một vài toà nhà ở Hongkong. Forbes HK ước tính tài sản của anh khoảng 300 triệu đô la Mỹ và hiện anh đã bí mật chuyển phần lớn sang quỹ từ thiện, bản thân vẫn ăn cơm bình dân và đeo khẩu trang đi xe đạp. Câu chuyện quỳ xuống khi còn trẻ để xin vai diễn của họ Châu, dù là 1 vai quần chúng, khiến bao người phải ngẫm nghĩ. Anh nói, khi cần tôi sẵn sàng làm mọi thứ để được trao cơ hội lao động, đã chọn làm thì chấp nhận tất cả, đã chơi là đánh đổi và trả giá. Một là lên đỉnh vinh quang cao nhất, hai là an phận hạng xoàng, không có "vẻ đẹp người về nhì, vẻ đẹp Á quân Á hậu". (Cái quỳ của họ Châu là thái độ sẵn sàng xả thân để có cơ hội thi thố năng lực, khác với cái quỳ để xin ăn, luồn cúi xu nịnh để được danh lợi của người hèn hạ. Khác nhau về bản chất). Quỳ không phải vì người mà là vì ý nghĩa lớn hơn. Quỳ trước tượng tâm linh là vì đức tin, quỳ cầu hôn là sự tôn kính với tình yêu, cái quỳ của họ Châu là sự dấn thân trước lý tưởng của nghề nghiệp đã chọn.
Nếu bạn đã từng đi thực tập sinh hoặc đi làm ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel...thì bạn mới biết, để nhận được một đồng tiền công, các ông chủ tư bản đã vắt kiệt sức mình ra sao, các ông chủ nhỏ đã khôn vặt thế nào, các ông chủ lớn đã khôn khéo ra sao,...Đó là chuyện hơn cả bình thường. Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày, mày không múa thì chúa lạnh lùng giật bát cơm lại, múa chậm bị chửi như tát vô mặt. Xin đừng hụt hẫng. Đó là bài học lớn ghi sâu vô não, để sau này mình làm sếp, mình sẽ áp dụng cái hay của ông này, mình sẽ không hành xử giống ông kia.
Sang Anh sang Mỹ du học, dù là trường top như Harvard, mình sẽ thấy nó chẳng có gì hay ho, cũng chỉ là những kiến thức mình đã biết. Sinh viên không phải lúc nào cũng nằm sõng soài trên bãi cỏ như trong catalogue quảng cáo du học. Quảng cáo mà, chỉ những đứa trẻ ngờ nghệch mới tin là dầu đó gội xong thì tóc suôn mượt như cô người mẫu. Đi học ở nước ngoài, cái người ta cho mình đâu phải là kiến thức mà cứ cắm cúi học và học. Cái cần lĩnh hội là phương pháp TỰ HỌC, văn minh phương Tây, khả năng tự xoay sở, tự thích nghi, cảm giác đắng cay tủi nhục trong những tháng ngày tha hương. Một ngày còn visa sống ở xứ người là một ngày enjoy, chứ không phải đếm ngày đếm tháng rồi hát bài "còn bao lâu, cho thân thôi lưu đày chốn đây" một cách tiêu cực.
Vô một công ty làm, dù là công ty số 1 VN hay số 1 thế giới, mình sẽ thấy không giống như mình tưởng tượng, chán kinh khủng. Mình chỉ nhìn lúc họ party ăn uống, họp hành, sự kiện, bài viết...chứ vô trực tiếp làm mỗi ngày mới biết sự thực. Hoa hậu lộng lẫy qua trang điểm và ánh đèn sân khấu, cứ vô phòng ngủ của cổ sẽ biết nhan sắc thật. Ông A bà B trên báo thấy giàu có lung linh, thì cứ làm việc rồi biết họ đối xử thế nào, tiền bạc là cái dễ thấy nhất. Mà đối xử thế nào thì đều là bình thường, người đủ triết học sẽ nhận ra TỐT HAY XẤU chẳng qua chỉ là nhận định riêng trong 1 giai đoạn ngắn. Hụt hẫng, chán nản, tụt mood miết là cảm giác chỉ có ở những đứa trẻ con. AI CHO MÌNH VỠ MỘNG SỚM CHÍNH LÀ THẦY TỐT. Ngay cả bản thân mình cũng có lúc suy nghĩ và hành động không tốt đẹp mấy, THÌ NGƯỜI TA CŨNG RỨA. Khi nào bạn biết "nhân vô thập toàn", cứ 1 người có bản chất lương thiện là được chấp nhận, thì khi đó bạn thực sự lớn lên.
Nếu 1 lần được trao cơ hội (nhất là cơ hội nghề nghiệp), nhất định phải làm đến "khô máo". Có thể mình không thành công, vì năng lực không phù hợp, nhưng cảm giác gắng sức mỗi ngày để leo tới đỉnh núi là trải nghiệm quý báu. Thi đấu thể thao, mục đích là để chinh phục đỉnh núi của sự thách thức, chứ không chỉ là để cho khoẻ.
2. Châu Tinh Trì có nói, để có danh có phận, bạn phải vượt qua cái ngại ngùng cố hữu hay sĩ diện của dân châu Á, mình vô danh, có ai biết đâu mà. Đừng để cái tôi lớn mà hỏng cuộc đời đi. Hạ thấp mình xuống, để người ta cho mình cơ hội. Chảnh chảnh, cứ nghĩ mình ngon, rồi sau mới thấy thất bại toàn tập, chưa giàu đã già, KHÔNG CÓ THỜI GIAN SỬA LỖI. Mình chả là gì trong 7.5 tỷ người trên trái đất này dù từng giỏi nhất trường cấp 3, nhất trường ĐH, giải nhất toàn quốc, từ nhỏ được bao nhiêu người khen giỏi khen đẹp. VN là 1 chấm nhỏ xíu trên bản đồ thế giới, nhất VN có là gì với thế giới đâu. Mình đến hay đi, thế giới không có gì khác biệt. Ngày bạn chết, trái đất vẫn quay, người ta vẫn sống, mọi thứ vẫn như cũ, bồ cũ sẽ có người yêu mới. Bạn rời công ty, người ta sẽ thuê người mới, chứ không có doanh nghiệp nào đóng cửa vì nhân sự nghỉ việc. Chỉ có cái tôi mình to đùng, nghĩ tới nghĩ lui và suy diễn phức tạp khiến bạn mất cơ hội (hiện bạn đang nghĩ là MÌNH SẼ CHO NÓ BIẾT MẶT). Mặt bạn có mấy tỷ người biết mà bạn tự ái (mà bạn đang nghĩ là tự trọng), bạn nổi giận, bạn tụt mood hay tụt cái gì thì kệ bạn. Người ta chỉ vinh danh người có thành tựu. Mình ngồi đó mà "em ngại, em thấy sao sao, em cho rằng, em rút lui vì đó là chỗ em không thích, vai này em không thèm diễn, job này em không thèm làm, chỗ này em không thèm ở, phải X thì em mới Y"...thì sẽ có người khác trám vào ngay, nhân loại đông như kiến cỏ. Cứ lên lầu cao nhìn xuống phố thì sẽ thấy người lúc nhúc trên đường. Mình có là ai, là ai?
Những tuổi trẻ biết cúi đầu, hạ cái tôi càng thấp thì càng trưởng thành nhanh chóng. Tiếp viên Japan Airlines quỳ xuống đưa thuốc nếu hành khách bị say máy bay. Cả đoàn tiếp viên đứng múa dỗ 1 đứa trẻ đang khóc. Khách vừa đại tiện bẩn thỉu trong toilet, những cô gái xinh đẹp đó lao vào ngay để chà rửa, tay cầm giấy lau phân còn dính trên bồn, chả thấy gớm gì. Đó là nghề nghiệp của người phục vụ, phải làm tốt trách nhiệm, phải yêu nghề. Rồi xuống phố, sang trọng giàu có thế nào, hộ chiếu Nhật Bản được miễn visa bao nhiêu nước không biết, nhưng khi làm thì phải dấn thân. Còn tiếp viên nhiều hãng cứ hất mặt lên trời, làm phục vụ mà cứ sợ người khác coi thường, thấy mệt. Đi làm sale bị khách chửi đuổi mà chán nản buồn rầu thì do sĩ diện quá, cái tôi lớn quá. Nhận 1 vị trí mà không làm tròn nhiệm vụ thì mới đáng trách. Quỳ chỉ là 1 động tác biểu hiện I CAN DO EVERYTHING. Quỳ xin cơ hội lao động không hề nhục, chỉ có quỳ để xin ăn mới bị khinh khi.
3. Cứ không phạm pháp hay hại người, là mình OK làm. Cha mẹ mình không là doanh nhân có nhà máy xí nghiệp, bản thân không có trí óc siêu việt để có thể tự tạo ra cơ hội, phải đổi não. Lao ra đường nhặt rác nhặt phân, quỳ xuống để sau này đứng thẳng lên, cúi đầu lúc trẻ để về già ngẩng cao. Những ông chủ tiệm nail lớn nhất ở Mỹ ở Anh, có tài sản hàng triệu đô la, Tết đi du thuyền sang trọng mấy chục ngàn đô, nhưng quay về tiệm, họ sẵn sàng quỳ xuống ngồi giũa móng chân thúi quắc của khách hàng để lấy vài chục đô. CỨ CÓ THÀNH TỰU, CÓ TIỀN THÌ TỰ ĐỘNG ĐỜI PHÂN LOẠI. Chủ hãng kềm lớn từng mài kềm trên phố. Lý Gia Thành từng dọn toilet. Cô chủ một ngân hàng lớn từng đi làm ô sin. Việt Vương Câu Tiễn, Tôn Tẫn nếm phân, Hàn Tín luồn háng, mật đắng cỡ nào cũng nếm, gai đau cỡ nào cũng có thể nằm lên. Nói em sẵn sàng nếm mật nằm gai, mà mùi thức ăn này nồng quá em ăn không vô, chỗ ngủ này nóng quá, chỗ làm kia buồn quá, bà kia nhìn mặt không ưa, ông kia nhìn thấy sợ, em không cảm thấy thoải mái, đến cả mẹ em còn chưa mắng em....thì thôi xin chia buồn. Em chắc chắn sẽ nằm trong đám đông một đời chật vật dưới chân núi. Đỉnh vinh quang chỉ dành cho người có năng lực thích nghi đạt MAX, cái tôi đạt MIN.
Vứt cái tôi qua một bên thì mới hoà hợp được với người khác. Mình nghĩ "gì thì gì chứ mình không bao giờ quỳ, có cho thì mình cũng không thèm,..." thì sẽ có người khác thèm. "Ai quỳ mà được cơ hội thi thố tài năng thì nhục nhã, kệ họ, tôi không quan tâm" thì chỉ là lý do nguỵ biện cho sự bất tài và cái tôi lớn của mình mà thôi, chứ trong lòng vẫn "quan tâm thấy mẹ", "thèm chết cha" luôn, tại vì sĩ diện quá mà không có. Cái QUỲ của Châu Tinh Trì ở đây chính là THÁI ĐỘ với đời. Người trong lý thuyết đi ra thường sẽ không thể hiểu được cho đến khi bị đời trét phân lên mặt (lý do các doanh nghiệp cực sợ sinh viên mới ra trường, đặc biệt đứa được cha mẹ chu cấp đều đặn tiền hàng tháng đi học ĐH mà không bươn trải làm thêm). Thái độ quyết định sự thành công chứ không phải IQ EQ PQ gì sất ráo. Thái độ luôn quan trọng hơn so với trình độ, đến tuổi nào đó bạn mới hiểu ra thì đã quá già.
NẾU CHỈ CÓ 1 CƠ HỘI MÀ TỚI 2 NGƯỜI CẦN, THÌ HÃY CHO NGƯỜI TRẺ ĐANG QUỲ XUỐNG. Có mỗi động tác quỳ xuống mà không làm được, không dám làm, không chịu làm, thì đừng nói chi chữ PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN, DẤN THÂN, LÝ TƯỞNG SỐNG, SỨ MẠNG CUỘC ĐỜI. Người không có triết lý sống trên đời thì nhàn nhạt, vô vị như nước ốc. Gặp người có cái tôi to đùng thì thôi đừng bàn chuyện kinh bang tế thế (kinh tế) với họ.
Hãy để họ tiếp tục lớn lên.
Tony buổi sáng!