Điểm đầu tư mới, Việt Nam ngày nay!

Điểm đầu tư mới, Việt Nam ngày nay!

Charmington.org | Hiện tại Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Xu hướng đầu tư thể hiện tích cực khi chính phủ tiếp tục cố gắng hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và đầu tư trở nên dễ dàng hơn. Khi đó, gắn liền với hoạt động kinh tế vĩ mô và các yếu tố chính sách hỗ trợ, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững.

GDP

Sau khi chạm đáy vào năm 2012, nền kinh tế đã có liên tiếp có tốc độ tăng trưởng GDP cao, khoảng 6% một năm, trong ba năm liền. Điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và toàn thế giới. Trong năm 2017, GDP được lên kế hoạch đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% so với 2016.

Là một thị trường mới nổi, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển lớn gấp bốn lần về quy mô trong một thập kỷ nay, tiến lên từ một trong những quốc gia có kinh tế khó khăn nhất trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với tầm nhìn phát triển vượt qua các quốc gia châu Á ngang tầm khác. Đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp diễn nhờ vào tiềm năng đến từ các hiệp định thương mai tự do, tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự nỗ lực của chính phủ để phát triển nền kinh tế.

CPI

Trong nhiều năm trước đây, lạm phát luôn là một chủ đề nhức nhối, cao hơn nhiều so với những nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, với việc chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp mạnh tay để kiểm soát, lạm phát đã không còn là một nguy cơ với nền kinh tế như trước đây. Hiện tại, chính phủ đã đề ra những mục tiêu lạm phạt chặt chẽ, dưới 5% một năm. Nhờ nỗ lực này, CPI đã tăng khoảng 3,84% trong 8 tháng đầu năm 2017, nằm dưới mục tiêu 4% năm nay. Lạm phát ổn định như hiện nay là một điều kiện tốt cho nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

FDI

Quá trình tái cơ cấu và phát triển nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến lượng vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng trưởng liên tục từ năm 2000 và tiếp tục tăng trưởng mạnh sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. FDI vẫn đang tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế và trong năm 2016 đã đạt 16 tỷ USD vốn giải ngân, tăng 9% so với năm trước; lượng vốn đăng ký và cấp mới đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7,2%.

Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận vốn FDI giải ngân đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% cùng kỳ và vốn FDI đăng ký/cấp mới đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% cùng kỳ. Phần lớn lượng vốn FDI chảy vào các ngành công nghiệp chế biến cùng phát triển/kinh doanh bất động sản. Nguồn vốn FDI phát triển dồi dào không chỉ góp phần vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam mà còn khẳng định Việt Nam là một thị trường kinh doanh vô cùng đáng lưu ý.

Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã được ký kết ngoài ra còn đang đàm phán với một số hiệp định khác để đạt tổng số FTA dự kiến là 15 với nhiều cơ hội ký kết các hiệp định khác với các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Việt Nam đã ký 10 hiệp định thương mại tự do song phương bao gồm 6 với vai trò là thành viên ASEAN và 4 với vai trò là một quốc gia độc lập. Việt Nam gần đây đã đàm phán phán thành công hiệp định thương mại với Liên Minh Châu Âu và đang tiếp tục tích cực đàm phán cho TPP, FTA ASEAN-Hồng Kông, EFTA (Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu) và RCEP (Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Tất cả các hiệp định này tiếp tục khẳng định sự cam kết của Việt Nam tới quá trình tự do thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu đồng thời thể hiện nền kinh tế tăng trưởng nổi bật và đầy tiềm năng của Việt Nam.

Phát triển cơ sở hạ tầng trên cả nước cũng là một trọng tâm chính trong việc hỗ trợ quá trình tăng trưởng kinh tế. Các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tiếp tục được phát triển: Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước, đã tiến hành lên kế hoạch và xây dựng nhiều cây cầu khu đô thị mới kết nối với Thủ Thiêm từ các quận lân cận khác. Dự án đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Một dự án phát triển hạ tầng quan trọng khác là tuyến Metro Line 1 kết nối chợ Bến Thành ở quận 1 và khu du lịch văn hóa Suối Tiên ở quận 9, với tuyến mở rộng đến tỉnh Đồng Nai về phía đông.

Tuyến đường sắt đô thị với ba ga ngầm và 11 ga trên cao sẽ làm tăng đáng kể tốc độ di chuyển trong thành phố. Metro Line 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, trong khi tuyến đầu tiên của sáu tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội được lên kế hoạch vận hành vào năm 2018. Việc hoàn thiện dần các cơ sở hạ tầng và kết nối đường bộ tại các khu đô thị lớn cùng các thành phố vệ tinh sẽ tích cực giúp quá trình di chuyển vào nội thành cùng sự hình thành các dự án bất động sản trong những năm tới.

Khung pháp lý ngày càng phát triển và cải thiện triển vọng của thị trường bất động sản với Luật Kinh Doanh Bất Động Sản sửa đổi cùng Luật Nhà Ở sửa đổi năm 2014. Các điều luật này cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tự do đầu tư, phát triển, vận hành và kinh doanh bất động sản trên tất cả các phân khúc. Việc sửa đổi này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Khung pháp lý rõ ràng và nhất quán hơn đã khuyến khích các luồng nhà đầu tư mới tìm kiếm cho mình vị trí trên thị trường Việt Nam.

Cơ cấu dân số là một trong những yếu tố thuận lợi với Việt Nam. Với dân số lớn và tăng trưởng đều, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu nhanh hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, khiến giá bất động sản ở các thành phố lớn được thúc đẩy nhờ vào quá trình đô thị hóa. Không giống như Trung Quốc, dân số già đi nhanh chóng, tại Việt Nam có một lượng dân số trẻ và lực lượng lao động rất lớn. Tất cả các yếu tố này kết hợp để tạo ra một mục tiêu hấp dẫn cho các nhà bán lẻ và nhà phát triển nhà ở.

Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng và đã đạt được một kết quả tốt đẹp trong tám tháng đầu năm 2017. Số lượng khách quốc tế đạt khoảng 8,5 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt kỷ lục hơn 10 triệu người vào năm 2016. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 11,5 triệu lượt du khách quốc tế tính đến cuối năm 2017. Phát triển du lịch là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, do đó đã có nhiều cơ chế miễn giảm thị thực, giúp hỗ trợ tiềm năng du lịch trong những năm tới.

Số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng mạnh mẽ đã thu hút được các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tìm kiếm các cơ hội phát triển trong lĩnh vực khách sạn. Phát triển khu nghỉ mát mới tiếp tục được quan tâm ở các địa điểm ven biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Hội An và Phú Quốc. Bên cạnh đó, các trung tâm thành phố lớn có những khách sạn mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu các lượt khách lưu trú ngắn ngày ngày càng tăng đến làm việc.

Triển vọng tương lai của Việt Nam ngày càng tích cực. Việc đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục được quan tâm hơn, thể hiện ở tăng trưởng FDI, tăng số lượng giao dịch M&A và tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới. Thị trường bất động sản, gắn kết trực tiếp đến tiềm năng của nền kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục phát triển bền vững ở tất cả các phân khúc. Bây giờ là thời điểm để quan tâm hơn về Việt Nam và những gì mà đất nước đáng kinh ngạc này có thể đem lại.

Savills