Rút quy định đánh VAT khi chuyển quyền sử dụng đất

Rút quy định đánh VAT khi chuyển quyền sử dụng đất

Charmington.org | Tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính vừa cho biết sẽ giữ nguyên quy định không đánh thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất. Trước đó, đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) khi chuyển quyền sử dụng đất của Bộ vấp phải sự phản đối khá gay gắt của nhiều tổ chức, chuyên gia.

Hồi cuối tháng 8/2017, Bộ Tài chính từng công bố dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế.

Trong dự thảo nói trên, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không thuộc nhóm chịu thuế VAT sang có chịu thuế. Mức thuế dự kiến là 10%.

Ngoài ra, Bộ cũng sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT với hoạt động kinh doanh bất động sản được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.

Ngay khi đưa ra, đề xuất trên đã nhận được những phản ứng quyết liệt của các tổ chức, cá nhân. Các chuyên gia đánh giá, quy định tăng thuế VAT sẽ làm giá bất động sản tăng theo, tác động lớn đến sức hấp thụ của thị trường và nhu cầu mua nhà của người dân.

Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc áp thuế VAT 10% với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất sẽ gây ra những tác động to lớn với ngành bất động sản. Thực ra, người dân không được quyền bán đất mà khi bán bất động sản chỉ là bán quyền sử dụng đất, bán nhà. Điều đó cũng có nghĩa là quyền sử dụng mảnh đất ấy không thay đổi trong khi hiện tại người dân đang phải đóng thuế trước bạ 0,2%, và thuế thu nhập cá nhân 2% khi bán nhà. Mức thuế phí này đã khiến giá nhà cao hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/m2 nên nếu áp quy định mới của Bộ Tài chính thì thuế phí sẽ tăng lên 12 - 15% (tăng 7 lần so với 2,2% trước đây).

Trong khi đó, các ngành khác như rượu bia, nước giải khát nếu tăng thêm 2% thì thuế đối với nhà đất sẽ tăng từ 5 - 7%, thậm chí 12%.

"Điều này là rất nghiêm trọng cho thị trường bất động sản vì giá nhà ở Việt Nam vẫn còn cao, đang cần có chủ trương giảm xuống để tạo điều kiện cho người dân có nhà thì chính sách thuế lại đi kéo giá nhà tăng lên khiến thị trường ngày càng đen tối hơn", ông Hà nhấn mạnh.

Có chung quan điểm với ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhìn nhận, nếu áp dụng thuế VAT khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người mua bất động sản cùng lúc sẽ phải gánh 3 loại “thuế” là tiền sử dụng đất, 10% thuế VAT tiền sử dụng đất, 10% chi phí xây dựng và chi phí khác. "Đây là một gánh nặng rất lớn đối với người mua nhà và toàn thị trường bất động sản", ông Châu khẳng định.

Do đó, sau khi Bộ Tài chính đưa đề xuất, HoREA là một trong những tổ chức đầu tiên đề nghị giữ nguyên quy định hoạt động chuyển quyền sử dụng đất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ở một góc độ khác, nếu đánh thuế VAT với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất thì giá bán nhà đất cũng sẽ tăng lên do tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần giống như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp. Đồng thời khi bán nhà ở cùng với chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế VAT.

Một tổ chức khác là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng không đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, VCCI góp ý: "Hoạt động chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng không chịu thuế VAT".

VCCI đánh giá, đất đai là tài sản của Nhà nước, người sử dụng chỉ được phép chuyển nhượng, tặng, cho...; chuyển quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa; đồng thời, tiền sử dụng đất là một khoản thu thuộc Ngân sách nhà nước nên nếu thu thuế sẽ khiến thuế chồng thuế.

Sau khi nhận được nhiều ý kiến về việc tính thuế VAT với việc chuyển quyền sử dụng đất, Bộ Tài chính cho biết đã tiếp thu đồng thời giữ quy định cũ là không đánh thuế VAT với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất.

Liên quan đến những vướng mắc trong thời gian qua như xác định giá đất được trừ, phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, Bộ Tài chính cho biết những nội dung này Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và hướng dẫn tại văn bản dưới Luật.