Charmington.org | Thị trường bất động sản (TTBĐS) tháng 3/2018 ghi nhận sự đổ bộ của nhiều dự án chung cư trung-cao cấp. Trong khi đó, nhà giá rẻ chỉ nhỏ giọt nguồn cung. Ở phân khúc đất nền, thị trường phía Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng giá ở nhiều khu vực.
Nhà giá rẻ lép vế trên thị trường
Thị trường chung cư tháng 3 sôi động với nhiều dự án mới được công bố hoặc mở bán chính thức. Đáng chú ý, ở cả 2 thị trường Hà Nội và Tp.HCM, các dự án trung và cao cấp áp đảo nguồn cung, trong khi dự án giá rẻ hoàn toàn lép vế. Ở Hà Nội, Mipec View City là dự án giá rẻ duy nhất giữa hàng loạt dự án trung – cao cấp mới như The Terra Hào Nam (Đống Đa), Golden Park Tower (Cầu Giấy), Manhattan Tower (Thanh Xuân) và Vinhomes Westpoint (Nam Từ Liêm). Tương tự, tại Tp.HCM, dự án giá rẻ Topaz Home 2 “lẻ loi” giữa nhiều dự án trung-cao cấp như Gem Riverside (quận 2), Green Star Sky Garden (quận 7), Carillon7 (Tân Phú).
Trên thị trường, các dự án vừa túi tiền ghi nhận thanh khoản khá cao. Tại Hà Nội, tòa M3 của Mipec City View dù mới mở bán nhưng đến nay 80% căn hộ đã được tiêu thụ. 95% các căn diện tích nhỏ (50,9-54,1m2) đều đã có chủ. Bảng hàng không còn nhiều lựa chọn cho khách. Nhiều khách đang phải đợi đợt mở bán của các tòa kế tiếp để xuống tiền. Tương tự, 2/3 rổ hàng đợt 2 tòa F-G-H dự án Xuân Mai Complex mở bán trong tháng đã được khách hàng đặt mua. Tại Tp.HCM, High Intela có tỉ lệ giữ chỗ 150/210 căn cho đợt mở bán kế tiếp, dự án Felisa Riverside có khoảng hơn 200 căn được giữ chỗ trên tổng số gần 300 căn.
Giá bán trên thị trường sơ cấp không có sự tăng đột biến giữa các đợt, mức tăng dao động từ 3-5%. High Intela tăng 0.5 triệu đồng/m2, dao động từ 24-26 triệu đồng/m2 so với đợt mở bán cuối năm 2017. Cũng so với cuối năm ngoái, Xuân Mai Complex tăng từ 0,5-1 triệu/m2, giá rao bán rơi vào khoảng 17-18 triệu/m2.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận kế hoạch mở rộng phát triển dự án tại các thị trường mới của các ông lớn trong ngành. Đầu năm 2018, FLC công bố kế hoạch triển khai các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Quảng Ngãi và Bình Thuận. Cùng thời điểm, Novaland thông báo phát triển các bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố như Hội An, Đà Lạt, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo và Cần Thơ.
Phối cảnh dự án Carillon 7 - TTC LAND
Đất nền phía Nam “nóng” sau Tết
Tháng 3, thị trường chứng kiến sự biến động trên diện rộng của đất nền phía Nam. Ngay đầu năm, cơn sốt đất không chỉ bó hẹp ở những khu vực vốn là điểm nóng của đất nền Tp.HCM như khu Đông, khu Tây mà còn xuất hiện ở cả các thị trường giáp ranh.
Tại quận 9 (khu Đông), giá đất đã tăng 10-15% so với thời điểm trước Tết. Đất nền dự án khu dân cư Phú Nhuận tăng từ 32-33 triệu/m2 lên 34-36 triệu/m2. Khu dân cư Trường Lưu, giá đất tăng từ 21-22,5 triệu/m2 tăng lên 23-24,5 triệu/m2; đất nền dự án Đại học Bách khoa tăng từ 21-22 triệu/m2 lên 22.5-24 triệu/m2. Dự án khu nhà ở Thiên Lý, đất tăng từ 29-30 triệu/m2 lên 29.5-32 triệu/m2.
Tại khu Nam, đất mặt tiền chợ Phú Xuân (Nhà Bè) tăng từ 1-1,5 triệu/m2, lên mức 34-36 triệu/m2 so với trước Tết. Các lô đất thuộc khu Đào Trí, Nguyễn Lương Bằng trước Tết được chào bán 32-55 triệu/m2 thì này đã lên mức 33,5-57 triệu/m2. Đất mặt tiền Nguyễn Hữu Thọ cũng tăng từ 33-36 triệu/m2 lên 34.5-38 triệu/m2.
Tại Vũng Tàu, cuối tháng 2, dự án trọng điểm tổ hợp hóa dầu miền Nam (Long Sơn, Vũng Tàu) chính thức được khởi công nhưng trước đó nhiều tháng, thông tin dự án được tái khởi động đã khiến giá đất quanh đó tăng chóng mặt. Giữa năm 2017, giá mỗi m2 đất nông nghiệp tại Long Sơn chỉ dao động từ 250-500 ngàn/m2, thì đến tháng 3 đã lên tới 2,5-5 triệu/m2.
Đầu tháng 3, tỉnh Đồng Nai quyết định cho tách thửa đất trở lại, thị trường nhà đất Đồng Nai bắt đầu đợt sôi động mới. Giá đất nông nghiệp ở Trảng Bom, Dĩ An, Biên Hòa tăng từ 100-300 ngàn/m2 so với thời điểm cuối năm 2017. Đất thổ cư ở Long Hưng, Tam Phước, Phước Tân… (Biên Hòa) tăng 10-20% so với cuối năm 2017. Cụ thể, đất Long Hưng tăng từ 12-13 triêu/m2 lên 14-16 triệu/m2. Đất Tam Phước có vị trí mặt tiền tăng từ 7-8 triệu/m2 lên 9-11 triệu/m2. Đất mặt tiền đường Phước Tân tăng từ 6-7 triệu/m2 lên 8-10 triệu/m2.
Ngoài ra, đất nền đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) chứng kiến sự chuyển hướng của giới đầu tư. Trái với nửa cuối năm 2017, từ đầu năm 2018, xu hướng “săn lùng” những quỹ đất lớn để phân lô, bán nền tại Vân Đồn có phần chững lại. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư đang tìm đất dự án có pháp lý, quy hoạch rõ ràng để xuống tiền. So với giai đoạn cuối năm 2017, đất nền dự án tại đây ghi nhận mức tăng giá từ 15-30%. Giá các nền đất tăng phổ biến từ 2-4 triệu/m2, ở những vị trí đẹp mức tăng có thể lên tới 3-6 triệu/m2. Cụ thể, đất nền khu tái định cư Thống Nhất, các lô đất liền kề được chào bán 24-26 triệu/m2, trong khi cuối năm 2017, giá chào bán là 21-22 triệu/m2. Đất nền khu tái định cư Đoàn Kết, những lô đất mặt trong tăng giá từ 9-11 triệu/m2 lên 12-13 triệu/m2, những lô có 2 mặt tiền được chào bán từ 14.5-16 triệu /m2, trong khi giá trước đó là 11-12 triệu/m2…
Thanh khoản vẫn đảm bảo
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến ngày 20/3/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.763 tỷ đồng, so với đỉnh điểm ở quý I/2013 giảm 80,74%. Như vậy, tính thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn được bảo đảm.
Cụ thể, tổng giá trị tồn kho bất động sản tính đến ngày 20/3 còn khoảng 24.763 tỷ đồng, giảm 103.785 tỷ đồng so với đỉnh điểm ở quý I/2013, giảm 80,74%; giảm 619 tỷ đồng so với 20/12/2017, giảm 2,44% và giảm 395 tỷ đồng so với thời điểm này của tháng 1/2018.
Trong đó, đất nền nhà ở vẫn chiếm giá trị tồn kho khá lớn với khoảng 3.016.261m2, tương đương 11.945 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng đứng vị trí thứ 2 với 2.971 căn, tương đương 6.804 tỷ đồng; tiếp theo là tồn kho căn hộ chung cư chiếm khoảng 2.654 căn, tương đương 3.853 tỷ đồng và tồn kho đất nền thương mại 552.771m2, tương đương 2.161 tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/3/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội còn khoảng 5.257 tỷ đồng, giảm 11.803 tỷ đồng so với đỉnh điểm ở quý I/2013, giảm 69,19%; giảm 36 tỷ đồng so với thời điểm 20/12/2017, giảm 0,68%; giảm 16 tỷ đồng so với 20/1/2018.
Tại Tp.HCM, tổng giá trị tồn kho bất động sản tính đến ngày 20/3/2018 còn khoảng 4.558 tỷ đồng, giảm 24.184 tỷ đồng so với đỉnh điểm ở quý I/2013, giảm 84,14%; giảm 112 tỷ đồng so với 20/12/2017, giảm 2,4% và giảm 64 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng 1/2018.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, hiện nay tính thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn rất tốt, nhiều dự án mới đang được các chủ đầu tư tiếp tục được khởi công, mở bán ra thị trường. Dù tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng chậm hơn, khối lượng giá trị tồn kho chỉ tập trung chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng kỹ thuật và kết nối giao thông đồng bộ.
Interviews - charmington