Charmington.org | Với chiến lược phát triển rõ ràng cùng những dự án hạ tầng giao thông mang tính bứt phá, Thủ Đức đang khẳng định vị thế là một cực tăng trưởng mới trên thị trường bất động sản của TP.HCM. Trong bối cảnh năm 2025, các mục tiêu kinh tế cùng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm không chỉ giúp Thủ Đức thu hút sự quan tâm của người mua nhà mà còn tạo đà cho các nhà đầu tư.
MỤC TIÊU KINH TẾ & QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
Tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân khóa X, TP.HCM đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP trên 10% – con số cao hơn so với chỉ thị 8,5% đã được ban hành từ tháng 8. Thành phố Thủ Đức, ra đời từ sự sáp nhập của quận 2, quận 9 và huyện Thủ Đức, được định vị chiến lược với cơ sở hạ tầng hiện đại. Theo định hướng, Thủ Đức hướng tới vai trò trung tâm kinh tế tri thức và tài chính quốc tế, góp phần vào khoảng 30% GRDP của TP.HCM vào năm 2030. Điều này đòi hỏi mức tăng trưởng của Thủ Đức phải vượt trội so với mức trung bình của thành phố.
Dự án quy hoạch “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM” (giai đoạn 2020-2035) đã được Thủ tướng phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2040. Quy hoạch này chia Thủ Đức thành 9 phân vùng và 11 trọng điểm phát triển, khẳng định vị thế của khu đô thị loại I với triển vọng đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
HẠ TẦNG GIAO THÔNG - YẾU TỐ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG
Thủ Đức đang trở thành tâm điểm của các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng và thu hút vốn FDI. Ngoài việc tuyến Metro số 1 đã đi vào hoạt động, hiện nay còn có kế hoạch triển khai 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng, giúp kết nối Thủ Đức với các khu vực khác của TP.HCM và cả sân bay quốc tế Long Thành. Mạng lưới giao thông này dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu di chuyển của người dân.
Đáng chú ý, dịp lễ 2/9/2026, sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành. Khi hoàn thành, cảng hàng không quốc tế này dự kiến có sức chứa lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm, trong đó 80% là khách quốc tế – yếu tố quan trọng thúc đẩy sự kết nối kinh doanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế của Thủ Đức nói riêng và khu vực nói chung.
Một công trình tiêu biểu khác là nút giao An Phú ở khu vực cũ của quận 2. Sau hơn 2 năm thi công, nút giao đã dần hiện hình và dự kiến sẽ thông xe một phần vào dịp 30/04, với toàn bộ hạng mục hoàn thành vào cuối năm 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng, công trình này hứa hẹn sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, giúp kết nối chặt chẽ các khu vực kinh tế trọng điểm. Cư dân tại An Phú sẽ được rút ngắn thời gian di chuyển, chỉ mất khoảng 5 phút đến Thảo Điền và 10 phút đến Thủ Thiêm cùng các quận trung tâm.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN DÂN CƯ
Theo nhận định của các chuyên gia, sự bùng nổ của các dự án hạ tầng và giao thông không chỉ tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư mà còn làm tăng sức hút của Thủ Đức đối với nhóm dân cư có thu nhập cao và người nước ngoài. Ước tính, đến năm 2030, Thủ Đức sẽ đón nhận hơn 20.000 kỹ sư, chuyên gia, từ đó nâng dân số của thành phố lên mức 1,5-1,8 triệu người.
Đặc biệt, phân khúc bất động sản nhà ở thấp tầng cao cấp đang được đánh giá là “cửa sáng” trong bối cảnh nhu cầu không gian sống đẳng cấp ngày càng tăng. Theo bà Cao Thị Thanh Hương – quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu tại Savills TP.HCM, Thủ Đức có lợi thế lớn khi là cửa ngõ nối trung tâm TP.HCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với việc đầu tư hạ tầng liên tục qua nhiều năm. Mặc dù giá bán và nguồn cung tại khu vực liên tục tăng, nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn ở mức cao, cho thấy thị trường có tiềm năng lớn.
Báo cáo quý 4/2024 của Avison Young cũng khẳng định Thủ Đức đạt tỷ lệ hấp thụ trên 80%, nhờ vào cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện ở phía Đông thành phố.
Đại đô thị Vinhomes Grand Park đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển cư dân lớn nhất Thủ Đức.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm như quận 2, cần có thêm các dự án nhà ở cao cấp được quy hoạch bài bản, với đầy đủ tiện ích và không gian xanh. Những sản phẩm bất động sản này không chỉ phục vụ nhu cầu ở và cho thuê mà còn là lựa chọn đầu tư hấp dẫn cho các chuyên gia quốc tế và cộng đồng cư dân trung lưu trở lên.
Theo nghiên cứu của CBRE, trong năm 2024, TP.HCM chỉ ghi nhận hơn 230 căn mở bán mới. Trong giai đoạn 2016-2022, nguồn cung chủ yếu từ các dự án khu Tây (Bình Chánh) chiếm khoảng 10-20% thị trường, với các dự án quy mô nhỏ đạt tỷ lệ bán khoảng 80% do nhu cầu cao. Dự kiến, năm 2025, nguồn cung TP.HCM sẽ tăng lên đến 2.000 căn nhờ vào các dự án mới tại khu Đông và Nam.
Bà Giang Huỳnh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & S22M của Savills TP.HCM, nhận định rằng mặc dù nguồn cung mới hiện nay còn khiêm tốn, nhưng triển vọng của thị trường sẽ được cải thiện khi các dự án dọc theo các tuyến hạ tầng trọng điểm được triển khai đồng bộ. Trong “cơn khát” về không gian sống đẳng cấp, những sản phẩm bất động sản nhà ở thấp tầng, với vị trí thuận tiện di chuyển đến quận 1 và các sân bay quốc tế, trong khu đô thị có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, kèm theo không gian xanh và các tiện ích giải trí đầy đủ, sẽ là lựa chọn hấp dẫn cho cộng đồng tinh hoa – đồng thời là tài sản đầu tư có giá trị bền vững về lâu dài.